Quảng bá thương hiệu Đà Nẵng từ sản phẩm địa phương

Tại chương trình “Ngày giới thiệu sản phẩm Đà Nẵng” trong khuôn khổ “Hội nghị kết nối cung – cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2022” diễn ra, nhiều sản phẩm địa phương mang thương hiệu Đà Nẵng đã được giới thiệu.

Chương trình được Sở Công thương TP Đà Nẵng chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức. Từ đó, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm nhằm tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.

Theo đó, chương trình đã thu hút 18 doanh nghiệp Đà Nẵng có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thành phố.

Tại khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm năm nay, bà Mai Thị Ý Nhi – Giám đốc Kinh doanh, Công ty TNHH Mỹ Phương Food đã mang đến sản phẩm bánh dừa nướng.

“Nếu trên thị trường chỉ có vị dừa truyền thống thì chúng tôi đã sáng tạo thêm các vị khác từ 3 loại đậu của người nông dân như mè tươi, đậu phộng, đậu xanh kết hợp với dừa tươi nhằm tạo nên sự khác biệt về vị. Hơn 6 năm cải tiến và đổi mới máy móc, dòng bánh dừa nướng đã thu hút người tiêu dùng bằng hương vị riêng với phiến bánh mỏng, giòn và ít ngọt”, bà Nhi chia sẻ.

Với dòng bánh đặc trưng này, hiện tại sản phẩm đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và Lào. “Nhờ hội nghị lần này, khách hàng mới tại Đức đã đề xuất chúng tôi gửi sản phẩm và sẽ khảo sát trong thời gian đến”, bà Nhi nói

Ông Hà Phước Vinh – Trưởng văn phòng đại diện Công ty CP Cao su Đà Nẵng tại TP.HCM cho biết bằng chất lượng sản phẩm, thương hiệu DRC đã chinh phục được khách hàng trong và ngoài nước.

Các mặt hàng về săm – lốp xe đạp, xe máy, xe ô tô tải đã thu hút nhiều khách hàng đến tham quan. Ông Hà Phước Vinh – Trưởng văn phòng đại diện Công ty CP Cao su Đà Nẵng tại TP.HCM cho biết bằng chất lượng sản phẩm, thương hiệu DRC đã chinh phục được khách hàng trong và ngoài nước, đặc biệt đã chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Brazil,… Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của công ty chiếm tỷ trọng 50%.

“Với hội nghị lần này, chúng tôi mong muốn quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn cho người tiêu dùng”, ông Hà Phước Vinh nói.

Ngoài ra, còn một số gian hàng trưng bày các sản phẩm về máy tính cho trẻ em và bo mạch điện tử thu hút nhiều sự quan tâm của người dân.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm về máy tính cho trẻ em và bo mạch điện tử thu hút nhiều sự quan tâm của người dân.

Được biết, Đà Nẵng đang tập trung phát triển công nghệ cao và công nghệ thông tin. Ông Phạm Đăng Khiêm – Phó trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư Tập đoàn Trung Nam Group chia sẻ: “Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng là một trong bốn khu công nghệ thông tin tập trung của cả nước. Hiện tại, Trung Nam Group đang xây dựng phát triển hạ tầng tại khu này. Thứ hai là đầu tư vào công nghiệp điện tử, trong đó sẽ xây dựng 5 nhà máy sản xuất điện tử”.

Ông Khiêm cũng cho biết trong thời gian đến, công ty sẽ tiếp tục triển khai đầu tư 23 nhà máy sản xuất ở giai đoạn 1, khu chuyên gia và công viên sinh thái dịch vụ trên tổng diện tích 26ha, với tổng mức đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng.

“Qua hội nghị lần này, chúng tôi mong muốn thu hút công nghiệp hỗ trợ cho TP Đà Nẵng nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành khu công nghệ thông tin tập trung quy mô, trọng điểm của cả nước và là một trong những cộng đồng phát triển công nghệ thông tin tốt nhất châu Á theo mô hình thung lũng silicon của Hoa Kỳ”, ông Khiêm cho biết.

Tham gia trưng bày tại “Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2022”, anh Trần Văn Bôi – người sáng lập chả bò Cô Huệ hi vọng rằng việc kết nối trực tiếp với khách hàng, đối tác qua chương trình sẽ là bước đệm để chả bò Cô Huệ đến gần hơn với người tiêu dùng. Từ đó, dần dần khẳng định vị thế, thương hiệu chả bò Đà Nẵng.

“Một trong những điều làm nên thương hiệu chả bò cô Huệ là thay vì nấu, chả bò của chúng tôi được hấp. Mặc dù việc này khiến chi phí sản xuất gia tăng, nhưng đổi lại sản phẩm vừa giòn, vừa dai và mùi vị đậm đà. Sau khi hấp chín, đòn chả được xếp ra nơi thoáng mát, rồi thực hiện công đoạn hút chân không để bảo quản chả được lâu hơn, sạch sẽ”, anh Trần Văn Bôi cho biết.

Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành là điểm gắn kết, tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ giữa các doanh nghiệp cũng như các địa phương về hoạt động cung cầu. Từ đây các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, hàng nông sản đạt chuẩn an toàn… có cơ hội vượt qua những hạn chế về vị trí địa lý, vùng miền, đến gần hơn với người tiêu dùng và mang kỳ vọng vươn ra thế giới.

Năm nay, Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành thu hút sự tham dự của gần 1.000 đơn vị đến từ hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước.

Các doanh nghiệp tham gia hội nghị, trưng bày khoảng 500 gian hàng, đồng thời đa dạng hoạt động kết nối giao thương trực tiếp, thúc đẩy hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó, TP.HCM có hơn 600 doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ. Đà Nẵng là địa phương có quy mô gian hàng lớn thứ 2 trong số các tỉnh thành tham gia.

Theo báo sohuutritue.net

Bài viết liên quan